Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014


Không ai có thể phủ nhận thị trường âm nhạc Nhật Bản là một ông lớn trong nền âm nhạc thế giới.
Với tỉ lệ chia sẻ âm nhạc đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, J-pop vẫn luôn là một tượng đài lớn, một nền âm nhạc mà chỉ cần đặt chân được vào đã là một vinh dự. Không những thế,  dù thị trường nhạc có lớn đến đâu, người Nhật vẫn coi chất lượng âm nhạc là yếu tố tiên quyết khi chọn mua sản phẩm. Điều này đương nhiên là tốt, nó giúp chất lượng âm nhạc J-pop luôn giữ vững phong độ ổn định, đồng thời càng kích thích các nghệ sĩ tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc sáng tạo và nghệ thuật hơn.
Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó. Để bù lại chất lượng âm nhạc tuyệt vời ấy, các nghệ sĩ đã phải đánh đổi một thứ rất quan trọng: chất giọng của mình.

Những căn bệnh về thanh quản

Có thể nói, đối với J-pop, tỉ lệ những nghệ sĩ mắc phải các bệnh về thanh quản, hay liên quan đến tai, mũi, họng, phổi không phải quá nhiều, nhưng cũng vừa đủ để chúng ta bất ngờ.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của nữ diva nhạc pop Hamasaki Ayumi.  Cô là một diva tài năng của nền âm nhạc Nhật Bản, với giọng hát trong trẻo trời phú và vũ đạo uyển chuyển, bốc lửa. Tuy vậy, với những ai mới tìm hiểu nhạc Nhật, có thể sẽ không biết rằng tai trái của Ayumi đã hoàn toàn mất đi thính giác và vô phương cứu chữa. Đây là kết quả của những tháng năm luyện tập miệt mài không ngừng nghỉ. Dù thế, Ayumi vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình, cô luôn cố gắng hết sức để cống hiến cho khán giả những màn trình diễn ấn tượng và hoàn hảo nhất.
J-pop artist , cái giá phải trả cho sự thành công
Hamasaki Ayumi – nữ hoàng nhạc J-pop
Một nữ ca sĩ nổi tiếng khác, Mika Nakashima, cũng mắc một căn bệnh tương tự như Ayu. Chỉ cần so sánh hai bản live của Mika vào 2 năm 2005 và 2012 là có thể thấy rõ sự khác biệt. Giọng Mika năm 2005 trầm, tinh tế, nhiều nội lực bao nhiêu thì năm 2012, giọng cô yếu đi bấy nhiêu và không thể lên cao được. Chính căn bệnh về tai đã dẫn đến sự thay đổi này vì lúc hát, càng lên cao thì tai sẽ càng đau.

Ca sĩ trẻ Ayaka từng công bố mình bị mắc bệnh Bướu cường giáp ( một loại bệnh về họng? :? ) vào năm 2009. Xét đến dòng nhạc sử dụng nhiều kĩ thuật mà cô đang theo đuổi, sự việc này có lẽ cũng không quá bất ngờ. Sau đó, cô quyết định tạm ngưng các hoạt động âm nhạc một thời gian để tập trung chữa bệnh, và quay trở lại ngoạn mục vào năm 2012 với album “ Hajimari no toki “ . May mắn là chất giọng của cô vẫn như xưa.
Mikazuki – Ayaka live

Thật may mắn là Ayaka đã khỏi bệnh, thật đáng tiếc nếu mất đi một giọng hát tuyệt đẹp như này phải không?
 

Nguyên nhân

Vậy nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh trên là do đâu. Theo ý kiến chủ quan của ad thì có khá nhiều nguyên do cho những vụ việc trên.
Thứ nhất, đó là yêu cầu khắt khe của thị trường âm nhạc Nhật Bản. Với một thị trường lớn như Nhật Bản, nếu một nghệ sĩ không thể giữ vững phong độ, đồng thời liên tục làm mới mình, bị đào thải là điều tất yếu. Điều này thúc ép các nghệ sĩ phải liên tục cho ra album, single mới, đồng nghĩa với làm việc không ngừng nghỉ.
 
Nguyên nhân thứ hai cũng khá quan trọng, đó là vấn đề live của ca sĩ. Chỉ DVD, single, các ấn phẩm điện tử thôi không đủ, việc đi tour hay tổ chức concert riêng cũng là chuyện thường xuyên. Đã mang danh nghệ sĩ, có nghĩa là hầu như phải đặt giọng hát lên hàng đầu. Chính vì vậy khi tổ chức concert, các nghệ sĩ Nhật luôn hát live 100%, điều này khẳng định đẳng cấp và cũng thể hiện sự tôn trọng khán giả, nhưng nếu làm việc không điều độ, rất có thể nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi.
 
Cuối cùng chính là do bản thân các nghệ sĩ. Dù sao với hai nguyên nhân kể trên, các staff và manager của họ chắc chắn phải biết cách điều chỉnh lịch làm việc cũng như chế độ nghỉ ngơi, ăn uống cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu bản thân nghệ sĩ quá đam mê công việc, dù là ai cũng không thể cản họ. Vì đam mê cháy bỏng với rock, Yoshiki ( X Japan ) đã chơi trống một cách hoang dại đến mức mà sau này, anh thường xuyên phải đeo một cái nẹp cố định cổ. Cô nàng Matsui Jurina ( SKE48 ) thì một dạo làm fan suýt phát hoảng vì sự sút cân nhanh chóng do ham mê tập luyện và không chịu ăn uống đúng cách, thậm chí có lần cô đã bị ngất và phải nhập viện. Giọng hát của Kaori Mochida ( Every Little Thing ) ngày càng xuống dốc do cô liên tục sử dụng cách hát gây tổn thương mạnh đến họng của mình.
 
J-pop artist , cái giá phải trả cho sự thành công
Dù cổ bị chấn thương, Yoshiki vẫn bùng cháy với âm nhạc
Tóm lại, đằng sau những sản phẩm âm nhạc đẹp đẽ, sâu lắng, làm lay động con tim của hàng triệu khán giả là những giọt mồ hôi và những tổn thương của người nghệ sĩ.  Đúng vậy, con đường dẫn đến thành công chẳng bao giờ trải đầy hoa hồng , và đối với các nghệ sĩ Nhật Bản, có thể chỉ toàn là gai nhọn, nhưng vì niềm đam mê và tình yêu âm nhạc, họ vẫn không bao giờ nản chí. Có lẽ đối với họ, được khán giả đón nhận và cảm thụ âm nhạc của mình bằng cả trái tim đã là một niềm hạnh phúc lớn lao, mà chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ hiểu được.
P/s: đây chỉ là một bài tản mạn được mình viết ra vào một lúc hứng chí, chẳng nhằm mục đích gì. Phần nguyên nhân hoàn toàn là đánh giá chủ quan của mình, độ chính xác thì tùy mọi người kiểm chứng. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét